Thể dục khi mang thai: khỏe mẹ, khỏe con

Thể dục khi mang thai: khỏe mẹ, khỏe con
Phụ nữ có thai hiện được khuyên nên dành 30 phút hằng ngày hoặc phần lớn các ngày trong tuần để tập thể dục với cường độ vừa phải, như đi bộ nhanh, chạy hoặc khiêu vũ để đối phó với vấn đề tăng cân và chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ.
      Tập luyện khi mang thai có thể giúp em bé khỏe hơn nhờ tăng cường hệ thống tim mạch, giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ sau này.
Bằng cách tập thể dụng trong khi có thai, người mẹ có thể tác động tốt đến sự phát triển hệ thống cơ trơn ở các mạch máu của em bé còn trong bụng mẹ. Chức năng mạch máu được cải thiện sẽ mang lại lợi ích kéo dài đến tận khi trưởng thành, bao gồm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
 
      Phụ nữ có thai hiện được khuyên nên dành 30 phút hằng ngày hoặc phần lớn các ngày trong tuần để tập thể dục với cường độ vừa phải, như đi bộ nhanh, chạy hoặc khiêu vũ để đối phó với vấn đề tăng cân và chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ.
 
      Các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học bang California (Mỹ) và Trường Đại học Greifswald (Đức) đã nghiên cứu tác dụng của việc tập luyện trong khi có thai ở lợn, loài động vật có đáp ứng sinh học với gắng sức tương tự như ở người.
 
      Những con lợn nái đang có chửa được cho chạy trên máy chạy bộ trong 20-45 phút, 5 ngày mỗi tuần trong tổng cộng 15 tuần. Sau đó họ lấy mẫu máu, gan và động mạch đùi của lợn con ở 3, 5 và 9 tháng và so sánh với mẫu lấy từ những con lợn không luyện tập. Kết quả cho thấy tập luyện đã giúp cải thiện chức năng cơ trơn mạch máu của con vật.
 
      Một số nghiên cứu trước đây cũng đã cho thấy tập thể dục trong khi mang thai có thể mang lại lợi ích cho em bé khi còn nhỏ tuổi, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên về tác động của tập thể dục đối với sức khỏe tim mạch khi đã trưởng thành. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Experimental Physiology.
 
TS Sean Newcomer và TS Martin Bahls, những tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Chúng ta chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về tác động của việc tập luyện khi mang thai tới sức khỏe của đứa con khi trưởng thành. Những kết quả như thế này có thể giúp đưa ra hướng dẫn cho phép người phụ nữ có quyết định tốt nhất cho bản thân và cho đứa con trong bụng nhờ những lựa chọn dựa trên bằng chứng khoa học”.
 

      Theo các tác giả, cần nghiên cứu thêm về tác động của việc tập luyện đến tuần hoàn máu và những thay đổi về chức năng mạch máu sẽ ảnh hưởng đến nguy cơ bệnh tim mạch ở đứa con như thế nào.

Nguồn tin: spencovietnam.com